Trong bối cảnh các tổ chức xã hội tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài trợ bền vững, WeShare đã chọn một hướng đi khác biệt: tích hợp hành vi tiêu dùng thường nhật như mua hàng online với hành động đóng góp cho cộng đồng, mà không làm phát sinh chi phí cho người dùng. Từ một ý tưởng đơn giản đến hệ thống công nghệ phục vụ hàng chục nghìn giao dịch, hành trình phát triển của WeShare mang nhiều bài học thực tiễn cho các nhà sáng lập theo đuổi sứ mệnh tạo tác động xã hội bằng công nghệ.
Xuất phát từ mối quan tâm cá nhân tới lĩnh vực phi lợi nhuận, nhóm sáng lập WeShare nhận thấy tiềm năng của mô hình gây quỹ thông qua tiếp thị liên kết (affiliate marketing), một hình thức phổ biến trong thương mại điện tử nhưng chưa từng được khai thác để phục vụ mục tiêu xã hội tại Việt Nam. Bằng cách tận dụng hoa hồng từ mỗi đơn hàng, WeShare cho phép người dùng chọn tổ chức xã hội mà họ muốn ủng hộ, chỉ bằng một cú nhấp chuột thông qua nền tảng.
Giai đoạn MVP (sản phẩm khả dụng tối thiểu) được xây dựng với core stack gồm JavaScript, Firebase và tích hợp trực tiếp API của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada. Để giảm thiểu rủi ro khi chưa có nguồn vốn lớn, nền tảng ban đầu được triển khai như một tiện ích trình duyệt (browser extension) trước khi phát triển thành web-app hoàn chỉnh. Thử nghiệm nội bộ trên vài chục người dùng đầu tiên đã cho thấy khả năng ghi nhận đơn hàng và phân phối hoa hồng đúng địa chỉ, từ đó xác lập tính khả thi của mô hình.
Vấn đề lớn nhất mà đội ngũ WeShare phải giải quyết là đảm bảo sự minh bạch và ổn định của hệ thống tracking đơn hàng, một khâu sống còn trong affiliate. Nhóm đã xây dựng thêm dashboard quản lý minh bạch số tiền gây quỹ cho từng tổ chức, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu để tối ưu tỷ lệ chuyển đổi và từng bước mở rộng khả năng xử lý đồng thời hàng nghìn đơn hàng.
Ngoài ra, để gia tăng độ tin cậy, nền tảng tích hợp thông tin rõ ràng về từng tổ chức xã hội đối tác, công khai dòng tiền và chứng thực đóng góp qua email cá nhân gửi tới người dùng sau mỗi giao dịch. Điều này không chỉ củng cố lòng tin mà còn tạo ra động lực sử dụng lặp lại, yếu tố then chốt cho một mô hình fundraising dài hạn.
Trên thị trường Việt Nam, các mô hình gây quỹ chủ yếu tập trung vào hình thức kêu gọi trực tiếp (donation-based) thông qua chuyển khoản hoặc ví điện tử. Những nền tảng như Momo hay các trang crowdfunding thường yêu cầu người dùng chi trả tiền mặt, giới hạn phạm vi tiếp cận và lặp lại.
WeShare, ngược lại, khai thác hành vi tiêu dùng vốn đã có, mua sắm online, để tạo ra hành vi ủng hộ thụ động nhưng bền vững. Chính đặc điểm “không tốn thêm chi phí” này là yếu tố phân biệt và tạo ra ưu thế cạnh tranh dài hạn của nền tảng.
Kể từ năm 2022, WeShare đã tham gia nhiều chương trình hỗ trợ từ các tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Startup này là quán quân hai mùa liên tiếp của Impact Chapter Vietnam, vô địch ACI Youth Leadership Summit 2023, và nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về khởi nghiệp xã hội.
Bên cạnh đó, các chương trình ươm tạo giúp WeShare hoàn thiện mô hình kinh doanh, được kết nối với các tổ chức phi lợi nhuận uy tín như Làng Trẻ SOS, VietSeeds, và xây dựng hệ thống kỹ thuật vững chắc. Nhờ đó, đến năm 2024, nền tảng đã xử lý hơn 73.000 đơn hàng, tạo ra hơn 81 triệu đồng đóng góp, với tổng giá trị mua sắm hơn 4,7 tỷ đồng và hỗ trợ trên 15 tổ chức xã hội.
Một trong những bài học đáng giá nhất từ WeShare là tầm quan trọng của việc kết nối đúng hành vi người dùng với mục tiêu tác động xã hội. Thay vì tạo ra một hành vi mới (như thuyết phục người dùng móc hầu bao), nền tảng khai thác chính hành vi đã phổ biến, mua sắm, để làm đòn bẩy. Đây là tư duy thiết kế sản phẩm (product thinking) có tính chuyển đổi cao, đặc biệt quan trọng trong các mô hình công nghệ phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, tính minh bạch, tiện lợi và tích hợp sâu với các hệ thống sẵn có (e-commerce, affiliate API, CSR report) là ba yếu tố công nghệ then chốt giúp startup duy trì niềm tin người dùng, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với doanh nghiệp để tích hợp vào chiến lược CSR.
Đối với các nhà sáng lập trong lĩnh vực công nghệ vì cộng đồng, WeShare cho thấy rằng tăng trưởng và tác động xã hội có thể đi đôi với nhau. Nếu có thể gắn công nghệ vào đúng điểm giao nhau giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, startup hoàn toàn có thể vừa tăng trường, vừa tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội.