Trong bối cảnh xu hướng ngành dệt may toàn cầu chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, Vietfiber nổi lên như một ví dụ thực tiễn đầy cảm hứng từ Việt Nam. Khởi đầu với một câu hỏi tưởng chừng đơn giản: Làm sao để tận dụng hơn 52.000 ha lá dứa bị vứt bỏ mỗi năm ở Việt Nam, đội ngũ sáng lập Vietfiber đã xây dựng một giải pháp công nghệ có thể thay thế hoàn toàn sợi cotton nhập khẩu, một nguyên liệu đang chiếm tỷ lệ lớn trong chuỗi cung ứng ngành dệt, nhưng cũng là nguyên nhân phát thải và tiêu tốn tài nguyên nước.
Thay vì xử lý bằng phương pháp hoá học hoặc tiêu tốn lượng nước khổng lồ như nhiều quy trình tách sợi tự nhiên khác, Vietfiber chọn cách đi ngược dòng: phát triển công nghệ cơ học hoàn toàn tự động để cắt, tách sợi, xử lý và kéo sợi từ lá dứa, mà không cần dùng đến nước hay hóa chất. Quá trình này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp giữ được độ bền của sợi, cải thiện chất lượng đầu ra và tạo lợi thế về chi phí so với nhiều sản phẩm sợi tự nhiên cùng loại. Đặc biệt, hệ thống tự động hóa toàn phần giúp Vietfiber có thể kiểm soát đồng đều chất lượng và giảm phụ thuộc vào tay nghề lao động, một bài toán thường gặp trong ngành sản xuất vật liệu tự nhiên.
Khác với một số mô hình khai thác sợi dứa thủ công hay bán công nghiệp, công nghệ mà Vietfiber theo đuổi mang tính đột phá ở khả năng mở rộng quy mô sản xuất hàng loạt, ổn định và đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ ngành thời trang bền vững toàn cầu. Theo chia sẻ từ startup, họ đặt mục tiêu đạt 63.000 tấn sợi dứa mỗi năm, tương đương khả năng thay thế toàn bộ lượng sợi cotton nhập khẩu đang dùng tại Việt Nam hiện nay. Đây là tham vọng không nhỏ, nhất là trong một ngành vốn dĩ quen với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng là tham vọng có cơ sở.
Vietfiber từng được lựa chọn giới thiệu công nghệ tại khu trưng bày startup trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, sự kiện quy tụ các tổ chức phát triển và đối tác chuyển đổi xanh toàn cầu. Giải pháp của họ nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư và tổ chức quốc tế, bởi tính cấp thiết trong việc giảm phát thải, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế cho phụ phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Một trong những bài học đáng giá từ hành trình của Vietfiber là việc không dừng lại ở ý tưởng xanh, mà tập trung hoàn thiện công nghệ mang tính sản xuất thực tế, tức phải ổn định, mở rộng được quy mô, và dễ tích hợp vào chuỗi cung ứng hiện hữu. Không ít startup nông nghiệp công nghệ cao từng thất bại vì mô hình không đủ tính công nghiệp, hoặc phụ thuộc quá nhiều vào hỗ trợ thủ công. Bằng cách đầu tư ngay từ đầu vào nghiên cứu công nghệ, tự động hóa, và khả năng vận hành dài hạn, Vietfiber đã vượt qua rào cản đó.